A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

UBND thành phố Kon Tum chỉ đạo khẩn trương triển khai thực hiện Công điện số 04/CĐ-UBND ngày 25/9/2022 của UBND tỉnh

UBND thành phố Kon Tum chỉ đạo khẩn trương triển khai thực hiện Công điện số 04/CĐ-UBND ngày 25/9/2022 của UBND tỉnh

 

Thực hiện Công điện số 04/CĐ-UBND, ngày 25/9/2022 của UBND tỉnh Kon Tum về việc tập trung ứng phó với bão NORU và mưa lớn trên địa bàn tỉnh. Theo bản tin của Đài khí tượng Thủy văn Kon Tum (Bản tin phát lúc 05h ngày 26 tháng 9 năm 2022) như sau: Sáng sớm nay (26/9), bão Noru đã vượt qua khu vực phía Nam của đảo Lu-Dông (Phi-lip-pin), đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 04 năm 2022. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149km/giờ), giật cấp 14. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 230 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100 km tính từ tâm bão. Dự báo: Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25 km và có xu hướng mạnh thêm. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166km/giờ), giật cấp 17; Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền khu vực Trung Trung Bộ, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/giờ), giật cấp 8; Trong 72 đến 96 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ 20-25km/giờ, suy yếu và tan dần. Cảnh báo: Từ ngày 27 - 29/9/2022 bão có khả năng rất cao ảnh hưởng trực tiếp đến Kon Tum, gây mưa to đến rất to, gió mạnh, nhất là ở các huyện Đăk Glei, Kon Plong, Tu Mơ Rông, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Đăk Hà, Kon Rẫy và TP. Kon Tum. Từ ngày 27-30/9/2022 trên các sông ở Kon Tum khả năng xuất hiện một đợt lũ lớn, mực nước lớn nhất đạt mức BĐ 2, BĐ 3 và trên BĐ 3, lưu lượng nước về các hồ chứa có thể đạt mức tần suất lũ từ 10 - 3%. Mưa lớn có nguy cơ xảy ra lũ quét ở các suối nhỏ, sạt lở đất ở nơi đất dốc. Để chủ động ứng phó với bão, mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và những diễn biến khó lường của cơn bão Noru (bão số 4) trên địa bàn thành phố Kon Tum, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của Nhân dân, xét nội dung tham mưu của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCLB, GNTT&TKCN thành phố, UBND thành phố Kon Tum yêu cầu UBND xã, phường và các đơn vị có liên quan tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn; đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, chủ động chỉ đạo và triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” phù hợp với diễn biến của bão, mưa lũ và tình hình cụ thể tại địa phương, trong đó tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:

1. UBND các xã, phường:

 - Triển khai thực hiện có hiệu quả Công điện số 04/CĐ-CTUBND, ngày 25/9/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum về việc tập trung ứng phó với bão Noru và mưa lớn trên địa bàn tỉnh.

 - Theo dõi chặt chẽ thông tin diễn biến của mưa lũ và bão Noru (bão số 4); tổ chức trực ban 24/24 giờ; thực hiện nghiêm túc phương châm "4 tại chỗ" (Chỉ huy tại chỗ, Lực lượng tại chỗ; Vật tư, phương tiện tại chỗ; Hậu cần tại chỗ”); sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai phương án sơ tán người dân đảm bảo an toàn khi cần thiết. Đồng thời, thông báo, cảnh báo kịp thời đến người dân tại các khu vực trũng, ven sông, suối có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất về tình hình diễn biến của bão, mưa lũ biết, chủ động ứng phó, phòng tránh.

 - Rà soát, kiểm tra, nắm chắc số lượng nhân lực (Lực xung kích của địa phương), phương tiện, vật tư dự phòng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai ở từng địa phương, đơn vị theo phương châm "bốn tại chỗ" và có phương án huy động phương tiện, lực lượng ứng cứu, khắc phục kịp thời khi có thiên tai xảy ra.

- Triển khai, phát huy lực lượng xung kích xã, phường kiểm tra, rà soát những làng, khu dân cư, hộ dân sinh sống ở khu vực dễ bị ảnh hưởng trực tiếp của mưa lũ, sạt lở đất (vùng ven sông, ven suối, ven sườn đồi dễ bị sạt lở, vùng trũng…) thông báo, cảnh báo kịp thời cho người dân biết để chủ động ứng phó; sẵn sàng triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, gia cố, bảo vệ hồ ao nuôi trồng thủy sản; thu hoạch hoa màu, cây trồng cạn đến thời kỳ thu hoạch nhằm đảm bảo hạn chết thấp nhất thiệt hại.

- Kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là nơi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập sâu để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân với tinh thần "đi trước một bước", không để khi xảy ra thiên tai mới di dời; giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội vùng xảy ra thiên tai. Xây dựng phương án chủ động di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi an toàn trước khi thiên tai xảy ra. Kiên quyết di dời các hộ dân đang sinh sống ở ven sông, ven suối, sườn núi, nơi có khả năng sạt lở đất, lũ quét, ngập úng… xảy ra, đến nơi an toàn. Tổ chức cắm các biển báo, cảnh báo, nghiêm cấm người, phương tiện lưu thông qua khu vực bị ngập lụt, nguy hiểm khi có tình huống thời tiết xấu xảy ra.

- Tăng cường theo dõi chặt chẽ diễn biến bão Noru (bão số 4), áp thấp nhiệt đới và mưa lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông tin, cảnh báo kịp thời đến các tổ chức, cá nhân và người dân trên địa bàn biết để ứng phó với thiên tai. Đồng thời, rà soát, chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, lũ, lũ quét, sạt lở đất, dông lốc có thể xảy ra, kiên quyết không để xảy ra thiệt hại do chủ quan.

 - Phân công thành viên Ban Chỉ huy phòng thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và PTDS cấp xã, phường bám sát địa bàn; kịp thời thành lập các tổ công tác xuống địa bàn của thôn, làng xung yếu để trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai và khắc phục những thiệt hại sau mưa lũ. Củng cố mạng lưới thông tin liên lạc, mạng lưới cảnh báo, dự báo đảm bảo thông tin thông suốt trong mọi tình huống.

- Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, an toàn giao thông; sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, sớm khắc phục các sự cố do thiên tai gây ra; không để người và phương tiện di chuyển qua các cầu treo dân sinh, ngầm, tràn, các tuyến đường sông, các tuyến đường bộ dễ xảy ra sạt lở đất, ngập sâu, nước chảy xiết... khi có mưa lũ.

 - Khi có thiên tai xảy ra, Chủ tịch UBND xã, phường phải thường xuyên ứng trực, trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra tại địa bàn quản lý; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo với Thường trực Thành ủy, UBND thành phố về tình hình, công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

- Thực hiện công tác báo cáo kịp thời theo quy định những thiệt hại do ảnh hưởng thiên tai định kỳ vào lúc 14h00 hàng ngày về Văn phòng Thường trực BCH PCTT - TKCN và PTDS thành phố (Phòng Kinh tế thành phố; số điện thoại: 0260.3863516; 0905.547.905) để tổng hợp, tham mưu UBND thành phố chỉ đạo. Tổng hợp đánh giá mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra theo quy định hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT, ngày 23/11/2015 về thống kê đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra.

2. Ban chỉ huy Quân sự thành phố, Công an thành phố: Bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng, kịp thời tham gia ứng cứu phòng chống thiên tai khi có yêu cầu, đảm bảo an ninh trật tự ở các địa bàn bị ảnh hưởng bởi thiên tai gây ra.

3. Phòng Kinh tế thành phố:

- Phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, đề nghị các chủ hồ, chủ đập thủy điện, thủy lợi trên địa bàn thành phố triển khai thực hiện công tác vận hành hồ chứa theo quy trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhằm đảm bảo an toàn cho các công trình và dân sinh ở vùng hạ lưu.

 - Chủ động có Kế hoạch dự phòng các loại giống cây trồng, vật tư nông nghiệp để khôi phục những thiệt hại sản xuất do lụt, bão gây ra; Chủ động xây dựng Kế hoạch chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu để cung ứng cho nhân dân khi có bão lũ xảy ra (trong trường hợp cần phải trưng mua, trưng dụng, trưng thu).

4. Phòng Quản lý Đô thị thành phố:

- Kiểm tra, rà soát hiện trạng các công trình cầu treo dân sinh; các tuyến đường giao thông trên địa bàn thành phố để kịp thời tham mưu UBND thành phố đề xuất sửa chữa, khắc phục tình trạng sạt lở, hư hỏng… đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông được thông suốt; có kế hoạch di dời các hộ dân trong phạm vị ảnh hưởng của công trình đến nơi an toàn.

- Chủ động các phương án khắc phục hậu quả lũ bão, đảm bảo an toàn giao thông thông suốt; có phương án dự phòng vật tư, vật liệu, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, phương tiện cơ giới tham gia ứng cứu kịp thời, phù hợp với điều kiện của thành phố; theo dõi, kiểm tra, thống kê và đề xuất hướng khắc phục, xử lý sự cố xảy ra của các công trình giao thông do thiên tai gây ra trên địa bàn thành phố.

5. Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố:

- Chủ động theo dõi diễn biến bão Noru và mưa lũ, kịp thời báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền cho học sinh nghỉ học và chỉ cho học sinh trở lại lớp khi bảo đảm an toàn. Chỉ đạo các trường học thực hiện vệ sinh trường lớp ngay sau khi hết mưa, bão, ngập lụt (nếu có) và có kế hoạch phòng, chống các loại dịch bệnh, khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra.

- Phối hợp với UBND các xã, phường kiểm tra các trường học để có phương án ứng cứu kịp thời và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho giáo viên, học sinh; có kế hoạch bảo vệ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học (bàn ghế, thiết bị, sách vở, dụng cụ giảng dạy...). 6. Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố; Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Du lịch & Truyền thông thành phố :

 - Phối hợp chặt chẽ với Trạm Khí tượng Thủy văn, Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS thành phố và các đơn vị liên quan thực hiện đưa tin chính xác, kịp thời về tình hình diễn biến của thời tiết, lũ bão và các chỉ đạo của các Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh, Thành ủy, UBND thành phố.

- Tổ chức kiểm tra và có biện pháp xử lý đảm bảo an toàn đối với các công trình tuyên truyền, bản hiệu Panô nhằm tránh nguy cơ sập, đổ mất an toàn trong thời gian mưa, bão.

7. Phòng Y tế thành phố, Trung tâm Y tế Thành phố:  Chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực, thuốc, hóa chất, vật tư y tế nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống lụt bão tại các khu vực xảy ra thiên tai; Tổ chức thực hiện phương án cấp cứu, điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân, vệ sinh môi trường, nguồn nước sinh hoạt, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý ổ dịch xuất hiện sau thiên tai. Có Kế hoạch phân bổ cơ số thuốc phục vụ công tác phòng, chống bão, lụt; hóa chất phòng, chống dịch bệnh; Thực hiện phương án sơ tán, di dời cơ sở y tế khi xảy ra ngập lụt, sập đổ để nhanh chóng cấp cứu, điều trị nạn nhân trong mọi tình huống khẩn cấp, đảm bảo điều kiện cho các cơ sở y tế hoạt động, tuyệt đối không để người bệnh, nhân viên y tế bị thiệt mạng do thiên tai lũ, bão. Bên cạnh đó, cần phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho người dân, các lực lượng tham gia phòng, chống thiên tai tại khu vực ảnh hưởng thiên tai.

8. Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS thành phố: Căn cứ vào nhiệm vụ được phân công chủ động bố trí thời gian đi kiểm tra, nắm tình hình tại các đơn vị đã được phân công theo dõi, phối hợp chỉ đạo giải quyết khi có mưa to và lũ xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương và diễn biến dịch bệnh Covid 19; kịp thời báo cáo tình hình về Văn phòng Thường trực BCH PCTT-TKCN và PTDS thành phố để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố.

9. Trạm Thủy văn Kon Tum: Cập nhật cung cấp kịp thời các thông tin áp thấp nhiệt đới, diễn biến của cơn bão, mưa lũ, lũ ống, lũ quét để các đơn vị, địa phương liên quan và Nhân dân biết, chủ động phòng, tránh kịp thời.

10. Các đơn vị quản lý, vận hành các công trình thủy điện, thủy lợi trên địa bàn thành phố:

 - Tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo đảm an toàn hồ đập. Theo dõi chặt chẽ, dự báo chính xác, cảnh báo sớm, kịp thời tình hình mưa, lũ và rủi ro thiên tai để tổ chức vận hành hồ chứa an toàn tuyệt đối và hiệu quả; đồng thời bố trí lực lượng thường trực để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.

- Theo dõi, tính toán kỹ lưỡng thời điểm, lưu lượng xả để bảo đảm an toàn hồ đập; đồng thời bảo đảm hiệu quả sử dụng nước và phải thông báo, cảnh báo kịp thời cho chính quyền địa phương và Nhân dân vùng hạ du để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhân dân, Nhà nước.

11. Văn phòng Thường trực BCH PCTT-TKCN và PTDS thành phố (phòng Kinh tế thành phố):

 - Kiểm tra, rà soát vật tư, phương tiện phòng chống lụt bão hiện có trên địa bàn, trên cơ sở đó có kế hoạch đề xuất bổ sung đảm bảo huy động kịp thời khi có sự cố lụt bão xảy ra.

- Tổ chức theo dõi 24/24 giờ trong thời gian xảy ra bão, mưa lớn,... để tổng hợp, tham mưu UBND thành phố báo cáo kịp thời tình hình thiệt hại trên địa bàn thành phố về Văn phòng Thường trực BCH PCTT-TKCN và PTDS tỉnh và Thường trực Thành ủy định kỳ vào lúc 15h00 hàng ngày và đột xuất khi có yêu cầu, nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, xử lý khi có sự cố xảy ra.

- Tham mưu UBND thành phố triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của UBND tỉnh Kon Tum về công tác phòng, chống, ứng phó thiên tai, bão lũ trên địa bàn thành phố./.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thống kê truy cập
Hôm nay : 17
Hôm qua : 43
Tháng 01 : 602
Tháng trước : 787
Năm 2025 : 602